THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU CHÀO MỪNG 94 NĂM, NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CÔNG SẢN VIỆT NAM 03 /02/1930 - 03/02/2024.

Trang chủ/ TUYÊN TRUYỀN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

  09/10/2024     |  Lượt xem 93   

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG

   Nhận thức tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiêu chủ trương chính sách phòng chống và ngăn chặn, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược nâng cao sức khỏe, trí tuệ, tầm vóc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên phạm vi toàn quốc nói chung, trên địa bàn xã An Vĩ nói riêng đã được giảm thiểu. Tuy nhiên ở một số địa phương tình trạng này vẫn còn tồn tại, có nơi gia tăng trở lại, đây là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm suy giảm chất lượng dân số tại địa phương nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung.

Để tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo và đề ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng này, ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/ QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.

Đây là chính sách thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao chất lượng dân số, là một nhiệm vụ cấp thiết yêu cầu các cấp các ngành từ Trung ương đến các địa phương, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Dưới đây là những nội dung cơ bản tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và công tác phòng chống ngăn chặn tình trạng này trong vùng dân tộc thiếu số.

PHẦN I

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG VÀ HẬU QUẢ

I. TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG - HẬU QUẢ

1. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả 2 bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, cụ thể: nữ chưa đủ từ 18 tuối trở lên và nam chưa đủ từ 20 tuổi trở lên mà đã lấy vợ hoặc lấy chồng là tảo hôn, trái với quy định của pháp luật.

* Hậu quả của tảo hôn

- Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm, sinh lý nhất là các em gái; khi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm khi còn thiếu kiến thức sẽ không đảm bảo được vai trò làm mẹ, khủng hoảng về tâm lý, ảnh hưởng tới quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và nhiều di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe mẹ và con, trẻ sinh ra nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng, dễ bị tử vong ở lứa tuổi từ 1- 5 tuổi.

- Đối với nam giới do chưa phát triển đầy đủ về thế chất, tâm, sinh lý khi phải làm cha sớm, suy thoái giống nòi, giảm chất lượng dân số.

- Nhiều trường họp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, đôi nam nữ không được tìm hiểu, sinh buồn chán, bế tắc dẫn đến tiêu cực, ly hôn, ly thân, bỏ đi khỏi địa phương, sa vào tai tệ nạn xã hội, có trường hợp tìm cái chết bằng tự tử...

- Do lấy vợ, lấy chồng sớm không có điều kiện học tập, nâng cao trình độ kiến thức và kinh nghiệm sống, không tiếp cận được với các tiến bộ KHKT, mất cơ hội tìm kiếm việc làm.

- Tảo hôn cũng là nguyên nhân của đói nghèo, trẻ em thất học do cặp vợ chồng trẻ còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu vốn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn cả vật chất và tinh thần, gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

2. Hôn nhân cận huyết thống: Là hình thức hôn nhân giữa người nam và người nữ trong cùng thân tộc, họ hàng có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha (Hôn nhân có cùng dòng máu trực hệ)

Theo quy định của luật hôn nhân gia đình thì những người có quan hệ thân tộc trong phạm vi 3 đời không được lấy nhau: Đời thứ nhất: Cha, mẹ; đời thứ hai: Anh em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba: Anh chị em con chú, con bác, con cô con cậu con dì.

* Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống

- Con sinh ra hay mắc các bệnh di truyền và dị tật như:

+ Sức đề kháng kém, hay mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch.

+ Bệnh mù màu (không phân biệt được màu sắc).

+ Bệnh down (đao), đần độn do thiểu năng trí tuệ.

+ Còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ.

+ Hay mắc bệnh bạch tạng, bệnh da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, nguy cơ tử vong rất cao.

Những căn bệnh này làm suy kiệt sức khỏe, dẫn tới suy thoái nòi giống của cả một dòng họ, một dân tộc.

- Là gánh nặng của gia đình và xã hội:

+ Nhìn nhận ở góc độ xã hội thì hôn nhân cận huyết là trái với quy định của pháp luật, vì vậy những cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong hòa nhập với cộng đồng.

+ Về góc độ gia đình khi có đứa trẻ sinh ra bị dị tật hoặc phát triển không bình thường thì cha, mẹ, họ hàng thân tộc đều chung tâm trạng ái ngại, buồn chán, tốn kém trong nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa trị mà không mang lại tương lai gì tốt đẹp, không duy trì được giống nòi, bản thân trẻ sinh ra không được bình thường trở thành gánh nặng cho gia đình.

II. NGUYÊN NHÂN TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG

1. Nguyên nhân khách quan:

* Về tảo hôn:

- Thứ nhất: Do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu: Đã ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt của một bộ phận người dân; cụ thể:

+ Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; hứa hôn, sớm có chỗ cho con thành vợ, thành chồng.

+ Lấy vợ lấy chồng sớm để có thêm lao động, để có con đàn cháu đống, bậc cha mẹ sớm được lên chức ông, bà... Nữ sớm có chỗ dựa (không sợ ế), nam lấy vợ sẽ nhanh chóng trưởng thành trụ cột, sớm ra ở riêng vì còn đông em trong nhà...

+ Học sinh sau khi học, cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn, tư tưởng các bậc phụ huynh và học sinh bỏ học về đi lao động và lấy vợ, lấy chồng để ổn định cuộc sống…

* Về hôn nhân cận huyết thống:

+ Quan niệm cứ khác họ là lấy nhau được, vì vậy con anh, con cô, con chị, con dì ở ngay đời thứ 2, thứ 3 lấy nhau thành vợ, chồng còn khá phổ biến.
Tục lệ thách cưới cao dẫn đến quan niệm kết hôn trong họ tộc sẽ thách cưới ít hơn và để lưu giữ tài sản trong gia đình dòng họ, không mang của cải đi, hoặc chia của cải sang họ khác.

+ Quan niệm trong họ hàng lấy nhau, được gia đình, bố mẹ, con cái hai bên đùm bọc, thương yêu, dễ bảo ban nhau hơn...

+ Do đông con nhiều cháu, biết có họ hàng gần, nhưng vì lý do các cặp con cháu yêu nhau, trót lỡ rồi nên bố mẹ, họ hàng đành phải chấp nhận...

- Thứ hai: Do tác động, ảnh hưởng của sự phát triển xã hội và lối sống thời hiện đại.

Thực tế cuộc sống hiện nay, khi đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng cao, cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, mạng xã hội, điện thoại di động, băng, đĩa hình và các văn hóa phẩm độc hại đã tác động đến quan niệm sống tự do của lớp trẻ, không còn giữ gìn thuần phong mỹ tục theo quan niệm đạo đức xưa. Vì vậy trai, gái dễ gần gũi như vợ chồng và làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm. Đây cũng là nguyên nhân khách quan gây nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

b. Nguyên nhân chủ quan

- Thứ nhất: Do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế:

- Thứ hai: Công tác tuyên truyền còn hạn chế và hiệu quả chưa cao.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các cơ quan pháp luật quan tâm, nhưng vẫn còn bộc lộ những yếu kém, hạn chế, công tác tổ chức tuyên truyền ở cơ sở chưa được thường xuyên, hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa sâu rộng, thiếu sắc bén, thiếu kỹ năng, nặng về hình thức răn đe, thiếu cảm hóa, thuyết phục, thiếu đội ngũ làm công tác tuyên truyền là người địa phương nên việc đưa thông tin pháp luật đến với vùng đồng bào dân trí thấp, không biết chữ, chưa thông thạo tiếng phố thông không mang lại hiệu quả.

- Thứ ba: Do những bất cập, hạn chế trong các quy định của Luật hôn nhân và gia đình và các quy định pháp luật liên quan.

Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, hình thức chủ yếu dừng lại ở mức xử lý là nộp phạt hành chính (Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điều 58... ở mức từ 1.000.000đ – 3.000.000 đ). Gia đình và các cặp tảo hôn sẵn sàng thực hiện nộp phạt và coi như đã xong, sau đó vê sống chung thành vợ chồng...

- Thứ tư: Sự can thiệp từ phía chính quyên địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.

Về ý thức, không chỉ những người dân mà cả cán bộ, Đảng viên là lãnh đạo xã, phường ở một số nơi cũng đồng tình tiếp tay, vẫn đến dự đám cưới tảo hôn, có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra ngay trong gia đình, dòng họ cán bộ, Đảng viên.

Tâm lý sợ mất thành tích thi đua dẫn đến che giấu cho việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá phố biến ở cơ sở..

- Thứ năm: Vai trò của Mặt trận Tô quốc, các đoàn thể quần chúng ở cơ sở hoạt động còn hạn chế, khó khăn:

Qua khảo sát thực tế cơ sở cho thấy, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ về cơ bản đều nắm được các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn, nhưng thiếu chủ động trong vai trò phối hợp giáo dục, thuyết phục, vận động, chưa tạo được phong trào mạnh mẽ trong quần chúng về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Để nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cần thực hiện một số giải pháp sau:

* Đối với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương:

- Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình; nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

- Hai là: Tiếp tục xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng và hộ gia đình theo hướng tiến bộ, trên cơ sở kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, từng bước đẩy lùi, xoá bỏ các hủ tục đặc biệt trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

- Ba là: Tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Trên cơ sở đó, nâng cao mức sống cho người dân đặc biệt là các hộ khó khăn, yếu thế tại địa phương.

* Đối với mỗi người dân cần:

- Một là: Cần thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, làng.

- Hai là: Phát huy tính tự quản của dòng họ, gia đình; vận động nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

- Ba là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung và chính sách dân số nói riêng.

Để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên cần có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội và sự chủ động, tích cực của mỗi người dân để từng bước nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe cộng đồng.

- VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA MỖI GIA ĐÌNH KHÔNG TẢO HÔN, KHÔNG KẾT HÔN CẬN HUYẾT THỐNG-

 
Liên kết
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 26257